Vai trò của Trường Lũy đối với nhà Nguyễn Trường_lũy_Quảng_Ngãi

Trường lũy người Man ở cách tỉnh thành 23 dặm về phía tây. Phía bắc lũy giáp huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Lũy dài 177 dặm. Xét: Một dải dọc theo ranh giới xung quanh tỉnh thành trước nay thường có bọn ác man Thạch Bích ngang ngạnh hoành hành. Hồi đầu dựng nước đã lập ra 6 đạo binh lính bám sát địa phương để phòng thủ.
Năm Gia Long thứ 3 (1804) lập ra 6 kiên cơ đạo Bình Man. Năm thứ 18 (1819), Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đắp Trường lũy, trồng hàng rào, đào hào chắn. Bên trong thiết lập 115 đồn bảo, mỗi đồn đóng 18 lính, tổng cộng 1.150 người. Lại lấy các xã thôn thượng du của 3 huyện đặt làm 27 lân theo binh lính của 6 Kiên cơ tiến hành phòng thủ...Mỗi lân đặt ra chức Cai lân, Phó lân để cai quản.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi 6 Kiên cơ thành 6 cơ Tĩnh Man, xây thêm đồn bảo vệ, thành 117 đồn. Năm thứ 17 (1836), trích cơ thứ 6 ra lập thành vệ Nhất Quảng Ngãi, tùy theo tình hình địa bàn mà bổ sung thêm cho 5 cơ còn lại để tiện cho kế hoạch ứng phó. Năm thứ 20 (1830), chuyển giao cho Lãnh binh của tỉnh quản lãnh công việc này.
Sang đời Thiệu Trị, cắt giảm số đồn xuống chỉ còn 56 đồn, số lính của 5 cơ là 2.150 người, mỗi cơ đặt ra một viên Chánh Quản cơ và một viên Phó Quản cơ, mỗi đồn đặt một viên Suất đội, đóng ở các cửa tấn để phòng thủ, tất cả do viên Lãnh binh cai quản chung.
Trải lâu năm lũy bị đổ nát, nhiều toán quân Man vượt quan lũy đến cướp bóc các làng dưới xuôi. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), trùng tu Trường lũy. Năm thứ 9 (1856), chia đặt ra 80 đồn, bổ sung thêm binh lính thành 8 cơ, chia thành 3 ban, cứ 2 tháng thay phiên nhau một lần. Năm thứ 10 (1857), đặt chức Tuần phủ 1 viên, về sau lại bãi. Năm thứ 16 (1863), đặt chức Tiễu phủ 1 viên, Phó lãnh binh 1 viên để khi có xảy ra việc thì cùng bàn bạc với nhau mà giải quyết. Năm thứ 17 (1864), lại đổi 8 cơ thành 6 cơ, mỗi cơ 10 đội, lại kén tuyển lính chiến thành 1 vệ, vệ có 12 đội, chiêu mộ 5 đội Nghĩa Hùng, 2 đội Tĩnh Man, đặt 3 đồn lớn Tĩnh Man, còn các cơ đồn khác tùy xét mà cắt giảm. Những nơi xung yếu thì do binh lính của cơ đóng giữ, nơi dễ dàng hơn thì do dân của các lân canh giữ. Hiện nay chỉ còn 47 đồn nhỏ, 3 đồn lớn, tổng cộng 50 đồn.[17]

Trích sách Viêm Giao trưng cổ ký của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục

Trường lũy xưa, triều Nguyễn xây dựng mang tính chất phòng vệ, song hiệu quả không cao, vì "quân Đá Vách dùng lối đánh du kích ẩn hiện khó lường, mà quân triều từ nơi khác đến đóng giữ lâu ngày không quen thủy thổ", và vì họ đều có "tài nghệ chiến đấu".[18] Tướng Nguyễn Tấn trong Vũ Man tạp lục thư kể:

Người Man ở tỉnh tôi, tính tình hung hãn, đi đứng chạy nhảy lanh lẹ, đến như luồng điện sáng, đi tựa ánh chớp. Dựa vào nơi hiểm yếu, bắn tên phóng lao, đó là môn sở trường của họ vậy... Trước đây quan binh đã từng bị chúng đánh thua, và chẳng phải là một lần mà thôi.[19]

Rút lại, theo GS. Nguyễn Phan Quang trong Việt Nam thế kỷ XIX, thì:

Trải qua các triều vua từ Gia Long đến Tự Đức, "lũy bình Man" liên tiếp được củng cố, đồn bảo trên lũy liên tiếp được sửa đắp, tăng cường, nhưng triều Nguyễn vẫn không sao đè bẹp được cuộc đấu tranh của các dân tộc Đá Vách. Ngay tác giả Vũ Man tạp lục thư cũng đã thú nhật sự bất lực của Trường lũy: "... Kế sách phòng bị quá chu đáo, chặt chẽ, không gì lọt qua được, tuy nhiên không có gì tốt hơn là giữ được (lòng) người vậy."[20]

Liên quan

Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam Trường Đại học Ngoại thương Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Chinh Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai